Vượn người đã di cư từ châu Âu qua châu Phi?
Xương sọ của hóa thạch vượn người 16,5 triệu năm, Bảo tàng Stuttgart, Đức. |
Nhiều bằng chứng về cổ sinh học cho thấy nhánh người khôn ngoan homo sapiens đã xuất hiện đầu tiên ở châu Phi. Tuy nhiên, cụ của cụ tổ chúng ta - vượn người - đã ra đời ở châu Âu và Tiểu Á, rồi mới di cư đến lục địa đen.
David Begun, Đại học Toronto (Canada) và Elmar Heizmann, Bảo tàng Thiên nhiên Stuttgart (Đức), đã rút ra kết luận trên sau khi tổng hợp "hàng loạt bằng chứng cho thấy các hóa thạch vượn người ở châu Âu và Tiểu Á có niên đại lớn hơn ở châu Phi".
Cách đây 20 năm, người ta tìm được tại Đức một hóa thạch vượn người 16,5 triệu năm tuổi, sớm hơn 1,5 triệu năm so với hóa thạch vượn người sớm nhất ở Đông Phi. Cách đây vài năm, nhà địa chất học Laszlo Kordos khai quật được tại Hungary một xương sọ của khỉ dryopithecus - một giống nằm giữa khỉ và vượn người. Xương này có niên đại 17 triệu năm, đã khá phát triển, chỉ khác xương của Gorilla một chút.
David Begun và Elmar Heizmann viết: "Những bằng chứng này cho phép giả định rằng, nhánh khỉ hình người - cụ tổ của người hiện đại - đã xuất hiện đầu tiên ở châu Âu và Tiểu Á, sau đó mới di cư qua châu Phi".
Xương hàm dưới của dryopithecus. |
Theo hai nhà khoa học, ban đầu (cách đây 25-30 triệu năm), giống khỉ lớn đã di cư từ châu Phi qua châu Âu, khi mà Địa Trung Hải còn chưa tách hai lục địa này ra khỏi nhau. Sau đó, do bị biển ngăn cách, giống khỉ lớn này đã phát triển thành các nhánh rất khác nhau. Ở châu Âu, chúng phát triển thành vượn người sớm (dryopithecus). Sau đó, từ châu Âu và Tây Á, chúng "hành hương" trở lại châu Phi. Rồi tại Đông Phi, chúng đã phát triển thành người hiện đại.
Minh Hy
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét