(Chinhphu.vn) - Tại di tích cổ sinh ở hang Đá Đen (Tuyên Quang), các nhà khảo cổ học đã tìm thấy xương răng của loài vượn người trong giai đoạn tiến hoá để trở thành người khôn ngoan.
Các nhà khảo cổ học Việt Nam và chuyên gia của Cộng hoà Pháp đã tìm thấy số lượng lớn xương, răng động vật hoá thạch có niên đại cách ngày nay khoảng trên 10.000 năm.
Qua nghiên cứu địa tầng tại hang Đá Đen, các nhà khảo cổ học khẳng định, tại đây đã từng tồn tại 3 lớp trầm tích văn hoá thuộc 3 giai đoạn khác nhau.
Các nhà khoa học đã tìm thấy hàng trăm hiện vật là những xương răng động vật, như: lợn, khỉ, tê giác, hươu nai… tập trung chủ yếu ở lớp văn hoá thứ nhất và lớp văn hoá thứ hai.
Đặc biệt, tại đây các nhà khảo cổ học cũng đã tìm thấy xương răng của loài vượn người trong giai đoạn tiến hoá để trở thành người khôn ngoan. Tất cả các hiện vật này đều trong tình trạng hoá thạch.
Năm 2005, Đoàn khai quật của Viện Khảo cổ học VN cũng đã phát hiện một bộ hài cốt người nguyên thuỷ có niên đại khoảng 12.000 năm, cùng nhiều dấu tích thực vật, than tro, công cụ lao động và xương răng động vật tại hang Phia Vài ở thôn Cốc Ngận, huyện Na Hang, tỉnh Tuyên Quang.
Đến thời điểm đó, vết tích người nguyên thuỷ trên đất Việt Nam có tuổi sớm hơn Phia Vài chỉ có vài chiếc răng hoá thạch của người vượn ở Bình Gia, Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, hang Hùm (Lạng Sơn).
Hiện, việc xác định chính xác niên đại của các cổ vật tại di tích Đá Đen đang được các nhà khảo cổ học và chuyên gia của Cộng hoà Pháp làm rõ.
Theo các nhà khảo cổ học, di tích cổ sinh ở hang Đá Đen là một trong 10 di tích cổ sinh được tìm thấy trong cả nước.
Hà Chính
(Theo VOV)
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét