Thứ Ba, 25 tháng 9, 2012

Khám phá khu dân cư Ai Cập cổ đại

Khám phá khu dân cư Ai Cập cổ đại

Một khu dân cư bằng gạch bùn được bảo quản tốt ở miền nam Ai Cập đang cung cấp những thông tin quý báu về đời sống hàng ngày của người Ai Cập cách đây 3000 năm.
Khu vực Tell Edfu bao gồm trung tâm thị trấn được dùng để thu thuế, điều hành kinh doanh, sổ sách kế toán và các văn tịch.

Phát hiện này đã vẽ ra bức tranh về một xã hội tiến bộ thời cổ đại, mà thương mại đóng vai trò phức tạp trong đời sống hàng ngày của người dân Ai Cập, theo như nhận định của ĐH Chicago và Hội đồng khảo cổ tối cao Ai Cập.

Cho đến hiện tại, thông tin về đời sống dân thường của Ai Cập đa số là từ các cuộn giấy papyrus và những tài liệu khác. Một phần là vì các nhà khoa học từ lâu vẫn chú trọng vào các công trình và các di vật vàng liên hệ đến hoàng gia.

Theo trưởng nhóm nghiên cứu Nadine Moeller, trợ giảng ngành khảo cổ Ai Cập tại Viện nghiên cứu phương Đông, ĐH Chicago, “Các khu dân cư thị trấn chưa được khai quật nhiều, và mọi người không quan tâm đến nó lắm. Những thị trấn này đều được làm từ gạch bùn vì vậy hiển nhiên nó không lộng lẫy như những công trình đá.”
(Ảnh: Nadine Moeller/Tell Edfu Project)

Trung tâm mọi thứ

Khu dân cư được phát hiện cách đây vài năm cạnh ngôi đền Edfu, một trong những đền lớn được bảo quản tốt nhất từ thời Ai Cập cổ. Trung tâm thị trấn có một hội trường mở với 8 hầm chứa, một phần dùng để thu thuế ngũ cốc của nông dân.

Có đường kính từ 5,5 đến 6,5 m, các hầm chứa này thuộc loại lớn nhất từng được phát hiện ở trung tâm thị trấn Ai Cập. Phía trên các hầm chứa này là các nhà kho hình chữ nhật chứa tro để chống côn trùng. Các hầm chứa này có từ thế kỷ 17, kéo dài từ năm 1570 đến 1540 trước Công nguyên.

Cả khu phức hợp được gắn với một hội trường 16 cột, một phần của dinh thự thống đốc cũ sau này bị chuyển đổi thành trung tâm kinh tế và hành chính.

Bị quên lãng

Một trong các lý do những khu dân cư căn bản Ai Cập cổ ít được biết đến là vì chúng quá ít. Nhiều khu bị hủy hoại trong suốt hàng nghìn năm xây dựng hoặc do nông dân, những người dùng bùn sông Nile để làm phân bón vào đầu thế kỷ thứ 20. Các nhà khảo cổ cho biết sự quan tâm dành cho các khu dân cư Ai Cập cổ chỉ mới dấy lên trong vòng 20 đến 30 năm gần đây.

Theo Moeller “Điều này đã thay đổi, và mọi người càng hứng thú hơn với cách tổ chức của khu dân cư và đời sống của dân thường.” 
Vivian Davies, nhà khảo cổ học tại Bảo tàng Anh quốc, người đang khai quật một vùng lân cận ở Edfu. Davies cho biết “Khu dân cư Tell Edfu chỉnh lại sự mất cân đối trong bức tranh của chúng ta về Ai Cập cổ, mà được rút ra chủ yếu từ ngôi mộ và các đền đài. Chúng ta cần bổ sung vào bức tranh đó với kết quả khảo cổ từ những nơi mà người Ai Cập sống, trái ngược với những nơi họ thờ phụng và nơi họ được chôn khi qua đời”

Mối quan hệ chính trị phức tạp 
Phát hiện cũng giúp làm sáng tỏ các mối quan hệ chính trị trong suốt triều đại thứ 17. Vào thời này các pharaoh ngụ tại thành phố Thebes phía nam Edfu, nơi họ bị các nước láng giềng hung hãn như Hyksos ở phía bắc và Nubian Kushites ở miền nam bao vây. “Chúng tôi thực sự biết được điều gì đó về những người này, nhưng nó là một trong những giai đoạn mơ hồ nhất trong lịch sử Ai Cập cổ.” 

Giới cầm quyền địa phương có quyền lực khá lớn, nhờ vào sự tìm kiếm đồng minh của pharaoh. Ví dụ, Hoàng hậu Sebekemsaf vợ của pharaoh Antef Nubkheperre, thực ra là con gái của thống đốc Edfu. “Chúng tôi biết được điều này nhờ vào các vòng tay có tên bà và tên chồng.”

Tàn tích của pharaoh được phát hiện ở Thung lũng các vì vua ở gần Thebes nhưng các tài liệu lại cho rằng Sebekemsaf được chôn ở Edfu. Các nhà khảo cổ cho biết hoàng hậu không thể nào thuộc hoàng tộc nếu bà được chôn nơi quê nhà, chứng minh cho ý tưởng rằng các vị vua Thebes liên kết chặt chẽ với nhà cầm quyền địa phương.

Các nhà khảo cổ học thông báo và tháng 7 năm 2008 tàn tích của một khu dân cư bằng gạch bùn Ai Cập vừa được phát hiện gần đền Edfu. Khu dân cư này cung cấp những thông tin đầu tiên hiếm có về đời sống thường nhật ở Ai Cập cổ, một chủ đề cho đến nay mới chỉ được biết qua các tài liệu lịch sử.
Tuệ Minh (Theo National Geographic)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét