Thứ Tư, 29 tháng 8, 2012

Thơ tình Ai Cập: Kho tàng bị bỏ quên

Thơ tình Ai Cập: Kho tàng bị bỏ quên

Theo Richard Parkinson, chuyên gia nghiên cứu thơ Ai Cập cổ đại tại Bảo tàng nước Anh (London) - nơi lưu giữ nhiều đồ tạo tác Ai Cập nhất trên thế giới (trừ Cairo), cho biết: "Thơ tình có lẽ là kho tàng lớn nhất bị lãng quên của Ai Cập cổ đại. Tuy nhiên, trong khi sử liệu và tiểu sử khắc bên trong hầm mộ thường cung cấp những thông tin được lý tưởng hóa về cuộc sống của người Ai Cập thì thơ ca lại phản ánh một cách chân thực về bản chất và những điểm khiếm khuyết của con người."

Khi khai quật một ngôi làng lao động ở vùng ngoại ô Thung lũng Vua, nơi an táng nhiều pharaoh Ai Cập, các nhà khoa học đã tìm thấy một số bài thơ tình. Những thi phẩm này giúp cho cả người yêu thơ lẫn chuyên gia nghiên cứu Ai Cập hiểu sâu hơn về đời sống tình cảm của người Ai Cập. Được viết vào khoảng 1539-1075 trước CN, dưới thời Vương quốc mới của Ai Cập, "bộ sưu tập thơ" đề cập đến tình yêu và tình cảm lãng mạn thẳng thắn đến mức ngạc nhiên và sử dụng rất nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, phép lặp... Parkinson nói: "Mọi người thường cho rằng tất cả thơ văn của Ai Cập cổ đại đều mang màu sắc tôn giáo, vì thế những bài thơ này đã khiến cho người đọc thực sự ngạc nhiên".
Sau đây là trích đoạn bài thơ Bài ca hoa lá (The flower song) mà chúng tôi tạm dịch:
Giọng nói em như hương lựu rượu vang
Anh dành trọn cuộc đời lắng nghe em nói
Được ngắm em qua từng ánh mắt mòn mỏi
Anh quên đời, quên hết chuyện uống ăn.
Từ chữ tượng hình và tụng ca...
Có lẽ những vần thơ đầu tiên của Ai Cập là một phần của nền văn học truyền miệng. Tụng ca, truyện kể và bài cầu nguyện được truyền từ người kể này sang người kể khác. Theo Jacco Dieleman, nhà Ai Cập học thuộc ĐH California (Los Angeles, Mỹ), cứ hàng trăm người mới có một người biết đọc biết viết. Hệ thống chữ tượng hình của Ai Cập được sáng tạo ra nhằm hỗ trợ cho công việc buôn bán, cho phép các thương gia ghi chép hàng hóa và tính toán tiền nong. Sau này, các văn tự tượng hình trên bia mộ giới quý tộc lại ghi chép thông tin về người chết, giúp cho người qua đường có thể biết được về cuộc đời người nằm dưới mộ. Dần dần, những bản tiểu sử, truyện thơ và bài hát dài mới bắt đầu xuất hiện.
Để đọc được thơ ca và văn bản Ai Cập cổ đại, mỗi người đều phải trải qua hai bước. Phần lớn được viết theo chữ nhà thờ, một dạng rút gọn của chữ tượng hình. Dieleman tỏ ra khôi hài: "Mỗi khi muốn viết một bức thư cho mẹ với những ký tự hình chim, đàn ông, phụ nữ, bạn phải bỏ ra hàng ngày trời." Để giải mã các văn bản cổ, Dieleman kết hợp ảnh chụp chi tiết của các văn bản khai quật được với quan sát bản thân trên các đồ tạo tác thực tế, nếu điều kiện cho phép. Sau đó, ông dịch chữ nhà thờ sang chữ tượng hình - trên cơ sở đó, ông gán âm cho từng phụ âm, từ, câu và cả đoạn. Truyện kể lịch sử và tụng ca được khắc nhiều trên vách hầm mộ, viết trên giấy cói hoặc vạch lên thành đồ gốm.
... Đến thơ tình của... thợ xây
Tho tinh Ai Cap Kho tang bi bo quen
Để viết một bức thư cho mẹ với những ký tự này, bạn phải mất cả mấy ngày.
Các nhà khảo cổ học tìm thấy phần lớn thơ tình cổ đại Ai Cập tại Deir el-Medina, ngôi làng của dân xây dựng hầm hộ dưới thời Vương quốc mới. Đây là nơi cung cấp nhiều nghệ nhân tài giỏi, xây nên những hầm mộ nổi tiếng như kim tự tháp của Ramses II và Tutankhamun . Phát hiện này cho thấy: Vào thời ấy, dân làng được học hành tương đối "đến nơi đến chốn". Toàn bộ cộng đồng địa phương, chứ không phải chỉ có giới chép thuê và học sinh, đã đóng góp những vần thơ này cho Deir el-Medina. Các bài thơ nói trên có lẽ đã được phổ nhạc và sử dụng những sự kiện thường ngày và tự nhiên như gieo hạt, bắt chim, đánh cá dọc sông Nile làm đối tượng ẩn dụ để nói về tình yêu.
Trích đoạn bài thơ Gặp nhau (Crossing):
Anh sẽ cùng em xuống dòng sông sâu
Và chung tay cùng em bắt cá
Con cá đỏ nằm giữa ngón tay anh.
Trong thơ ca Ai Cập cổ đại, phụ nữ có tiếng nói khá mạnh mẽ, chẳng hạn với tư cách là người kể truyện thơ hay người tình lựa chọn người yêu. Điều này cho thấy rằng phụ nữ có một vị trí khá cao trong nền văn hóa Ai Cập so với các xã hội khác cùng thời. Thậm chí, còn có cả một số bài thơ do phụ nữ sáng tác. Một trong những bài thơ được yêu thích nhất là bài tụng ca của một tay đàn harp, ca tụng về cuộc sống trong một nền văn hóa thường chỉ tập trung vào đời sống ở thế giới bên kia. Được sáng tác vào khoảng năm 1160 trước CN, bài thơ nằm trong hầm mộ của pharaoh Inherkhawy, người đốc công tại công trường nghĩa trang hoàng gia của thành phố cổ Thebes. Dưới đây là trích đoạn của bài thơ Bài ca của nhạc công đàn harp dành cho Inherkhawy:
Hãy tranh thủ hôm nay, chớp lấy ngày nghỉ
Đừng buồn chán, mệt mỏi, hãy vui sống đi
Anh và tình yêu đích thực của mình
Đừng để trái tim phải chịu phiền não khi còn ở trọ trên Trái đất
Hãy nắm lấy từng ngày, đừng để thời gian trôi.
Khánh Hà (Theo National Geographic)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét