Thứ Sáu, 3 tháng 8, 2012

Cận cảnh "phong cách sống" đặc trưng thời Ai Cập cổ đại


Cận cảnh "phong cách sống" đặc trưng thời Ai Cập cổ đại


"Zoom" toàn tập vào đời sống gia đình, trang phục, thức ăn, hôn nhân... của người Ai Cập.
Thời cổ đại, Ai Cập sở hữu một vùng đất màu mỡ, còn được gọi là “Đất đen” (trong khi tất cả những vùng sa mạc quanh thung lũng được gọi là “Đất đỏ”), chạy dọc sông Nile và mỗi năm lại nhận được rất nhiều phù sa bồi đắp của con sông hùng vĩ này. Người Ai Cập cổ đại sinh sống, xây dựng nhà cửa trên vùng “Đất đen” trù phú và màu mỡ, tạo nên nền văn minh Ai Cập rực rỡ. Chúng ta cùng tìm hiểu cuộc sống thường ngày của họ qua chùm ảnh...

Đời sống gia đình

Người dân Ai Cập cổ đại rất coi trọng đời sống gia đình. Họ trân trọng trẻ em và coi đó như một phước lành lớn lao. Trong gia đình thường dân, người mẹ sẽ tự tay chăm sóc con cái mình. Trong các gia đình giàu có hay giới quý tộc, nô lệ và quản gia sẽ chịu trách nhiệm phục tùng mọi nhu cầu của những đứa trẻ quyền quý này. Nếu một cặp vợ chồng hiếm muộn, họ sẽ cầu nguyện các vị thần và nữ thần để được giúp đỡ. Bên cạnh đó, họ đặt các lá thư chứa lời thỉnh cầu lên ngôi mộ của những người thân đã khuất với mong muốn nó sẽ chuyển điều ước nguyện tới các vị thần. 

Người phụ nữ luôn phải chấp nhận phục tùng cha, chồng của mình, tuy nhiên, họ lại có quyền bình đẳng ở nhiều lĩnh vực khác. Họ có tư cách pháp lý để tham gia các công việc giao dịch kinh doanh, sở hữu đất đai và cũng phải chịu những mức phạt của tòa án như nam giới. Họ cũng có thể tham gia vào công việc kinh doanh khi người chồng đi vắng.
Với những gia đình quyền quý, họ gửi con trai của mình (từ 7 tuổi trở lên) đến trường để làm quen với các nghi lễ tôn giáo; tập đọc, viết và học số học. Khi trở thành những chàng trai, chúng sẽ được học làm kinh tế hay nghề thủ công từ người cha hoặc một nghệ nhân giỏi. Trong khi đó, các bé gái không được đến trường mà chỉ được học ở nhà từ những người thân trong gia đình mà thôi. Sau cái chết của cha mẹ, con trai sẽ được thừa kế đất đai, còn con gái chỉ được quyền thừa kế đồ đạc trong nhà và đồ trang sức. Nếu gia đình không có con trai, con gái sẽ được thừa kế toàn bộ.

Hôn nhân


Những bé gái ở vùng nông thôn thường kết hôn ở tuổi 12, trong khi ở gia đình giàu có, các cô gái lấy chồng muộn hơn vài tuổi (khoảng 15, 16 tuổi). Các cuộc hôn nhân này thường được sắp xếp bởi cha mẹ và chỉ có một số ít là "đi theo tiếng gọi tình yêu". Những người đàn ông bình thường chỉ lấy 1 vợ, trong khi vua có quyền cưới cả chục cô gái. Trước khi kết hôn, hai vợ chồng có thỏa thuận rằng, người vợ sẽ nhận được trợ cấp từ chồng, những của hồi môn của người vợ sẽ được làm của riêng nếu chẳng may hôn nhân tan vỡ.

Ly hôn là một lựa chọn nếu chẳng may cuộc sống vợ chồng không hạnh phúc hoặc người chồng đối xử không tốt với vợ. Ly hôn là một thủ tục đơn giản bao gồm một tuyên bố bãi bỏ cuộc hôn nhân trước các nhân chứng. Người vợ được quyền nuôi những đứa trẻ và được tự do tái hôn.

Đồ ăn 


Các loại đồ uống lên men (hồi đó chưa gọi là bia, rượu) là đồ uống chung cho mọi người, ở tất cả các tầng lớp trong xã hội.


Người dân thường ăn một loại bánh mì duy nhất là bánh mì không men, hành và đôi khi là cá. Họ uống đồ uống lên men và rất hiếm khi được ăn thịt bò, ngoại trừ các ngày lễ hoặc do các Pharaoh ban cho.


Thức ăn của người giàu có thì đa dạng hơn nhiều, họ có khoảng 15 loại bánh mì khác nhau trong bữa ăn của mình, ăn kèm các loại rau phổ biến như: đậu lăng, rau diếp, dưa chuột, hành tây và củ cải. Đường không có sẵn ở Ai Cập, nhưng họ đã nuôi ong lấy mật để làm ngọt các loại thực phẩm. Các loại thịt từ gia súc, cừu, dê và lợn cũng thường có mặt trong bữa ăn.

Trang phục

Trang phục của người Ai Cập cổ đại thường đa dạng màu sắc và trang trí rất cầu kì với nhiều đồ trang sức quý giá như vàng, ngọc trai… Họ rất thích trang điểm, kể cả đàn ông. Mắt là nơi trang điểm cầu kì và là nét đặc trưng nhất của người Ai Cập cổ. Không có nhiều sự khác biệt trong trang phục giữa các tầng lớp trong xã hội, sự khác biệt duy nhất chính là ở chất lượng vải và trang sức sử dụng.

Các loại quần áo của người Ai Cập được làm từ vải lanh. Vải lanh được làm từ cây lanh - một loại cây được trồng dọc theo sông Nile. Những người phụ nữ trồng lanh, tới mùa thu hoạch thì tiến hành “xử lý” ngay trên đồng, sau đó đem về xe và dệt sợi. 
Đàn ông Ai Cập cổ đại thường để trần phần trên, phần dưới quấn quanh thân một miếng vải lanh hoặc da thú, có đính lại ở phần ngang hông hay vùng thắt lưng. Trang phục này được gọi là skhen-ti. Để thể hiện đẳng cấp xã hội hay giai cấp, đàn ông quý tộc thường thắt thêm một miếng vải màu khác để tạo thành xếp nếp. Những kiểu váy quấn skhen-ti rất thịnh hành, phù hợp với người Ai Cập, không đòi hỏi nhiều công sức mặc, không có đường may nhưng lại được quấn một cách khéo léo và tinh tế.

Trang phục của người phụ nữ cũng rất đơn giản, đó là chiếc váy bó sát mang tên fulias, với 2 phần váy và gilê được may bằng vải lanh. Váy là phần vải được quấn quanh cơ thể từ ngực tới chân.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét